Ngày 16-9, Ban Giáo dục Phật giáo TP.HCM đã có buổi thăm, làm việc với Ban Giám hiệu, Ban Giảng huấn và toàn thể Tăng Ni sinh tại Trường Trung cấp Phật học TP.HCM (phường Phước Bình, TP.Thủ Đức).
Phái đoàn Ban Giáo dục Phật giáo TP.HCM do Thượng tọa Thích Quang Thạnh, Phó ban Trị sự kiêm Trưởng ban Giáo dục Phật giáo TP.HCM làm Trưởng đoàn; cùng đi có Thượng tọa Thích Phước Tiến, Phó Trưởng ban Thường trực; Thượng tọa Thích Lệ Thọ, Phó Trưởng ban; Thượng tọa Thích Thiện Chơn, Phó Trưởng ban, Chánh Thư ký kiêm Trưởng ban Bảo trợ và chư Tăng Ni thành viên.
Về phía Ban Giám hiệu Trường Trung cấp Phật học TP.HCM có Thượng toạ Thích Giác Trí, Phó Hiệu trưởng; Thượng tọa Thích Minh Thành, Chánh Văn phòng, cùng chư tôn đức Văn phòng tham dự.
Thượng tọa Thích Giác Trí đại diện Ban Giám hiệu trường phát biểu chào mừng, cảm ơn sự quan tâm của chư tôn đức trong Ban Giáo dục Phật giáo TP.HCM. Thượng tọa Thích Minh Thành thay mặt Văn phòng trường báo cáo về hoạt động, trình bày những khó khăn trăn trở và phương hướng hoạt động của trường trong thời gian tới.
Theo đó, Trường Trung cấp Phật học được thành lập đến nay đã 35 năm, chính thức được dời về cơ sở tại phường Phước Bình, TP.Thủ Đức vào năm 2006. Tính đến nay, trường đã tổ chức được 13 khóa Trung cấp Phật học và 9 khóa Cao đẳng với số lượng Tăng Ni sinh đang theo lớp Trung cấp học khóa 12 và 13 gồm: 346 Tăng sinh và 228 Ni sinh; Cao đẳng khoá 9 gồm: 128 Tăng sinh và 85 Ni sinh.
Thượng toạ cũng trình bày những khó khăn về phương tiện di chuyển và nơi ăn chốn ở của Tăng Ni sinh các tỉnh khác khi tham dự học tập và bày tỏ nguyện vọng, mong chư tôn đức trong Ban Giáo dục Phật giáo TP.HCM có đường hướng chỉ đạo và tạo điều kiện về vấn đề nội trú để Tăng Ni sinh có thể an tâm tu học.
Về vấn đề chiêu sinh, Thượng tọa Chánh Văn phòng xin ý kiến về việc tổ chức chiêu sinh mỗi năm, để đáp ứng được đầu ra của các lớp Sơ cấp tại các quận, huyện trên địa bàn thành phố.
Phát biểu tại phiên họp, Thượng tọa Thích Phước Tiến chia sẻ: “Việc giáo dục và đào tạo tu sĩ đặc biệt khác so với bên ngoài. Giáo dục Phật học cần quản lý bằng tình thương, bằng trách nhiệm và thân giáo của người quản lý đối với các học viên”.
Thượng tọa Thích Thiện Chơn cũng nhắc lại lời dạy của Hòa thượng Thích Minh Thông, Chứng minh Ban Giáo dục Phật giáo TP.HCM, nâng giờ học Luật từ 2 tiết thành 4 tiết.
Đúc kết tại phiên họp, Thượng tọa Thích Quang Thạnh ghi nhận những trăn trở từ phía Văn phòng trường, hứa khả sẽ luôn ủng hộ và hỗ trợ kịp thời để Tăng Ni sinh có điều kiện tu học tốt nhất.
“Tăng Ni sinh tốt nghiệp Trường Trung cấp Phật học là tiền đề, là thế hệ tương lai mai sau phụng sự và hoằng dương Phật pháp, cho nên nhiệm vụ giáo dục Tăng Ni là điều vô cùng quan trọng, chính vì thế cần phải được đào tạo một cách có chất lượng, nhất là hạnh kiểm của mỗi cá nhân”, Thượng tọa nhấn mạnh.
Thượng tọa Phó Trưởng ban Trị sự kiêm Trưởng ban Giáo dục Phật giáo TP.HCM chia sẻ về việc thống nhất đào tạo trong giáo dục cần chất lượng chứ không cần số lượng, nâng cao chất lượng giảng và dạy cho cả Ban Giảng huấn lẫn Tăng Ni sinh, điều đó mới là uy tín để hướng tới. Khuyến khích nhà trường nên tham khảo mô hình, chương trình giảng dạy và nếp sống tại Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM, hướng đến cải cách nhưng không rời khỏi truyền thống giáo dục Phật giáo, từ đó đào tạo ra thế hệ Tăng tài phụng sự cho Giáo hội.
Dịp này, chư tôn đức Ban Giáo dục Phật giáo TP.HCM cũng có buổi gặp mặt, thăm hỏi và sách tấn Tăng Ni sinh các khoá Trung cấp và Cao đẳng đang theo học tại trường.
Tại buổi gặp mặt chư tôn đức đã lắng nghe nguyện vọng của đại diện các Tăng Ni sinh, giải đáp những khúc mắc và động viên Tăng Ni sinh chỉ cần giữ gìn sức khoẻ và chuyên tâm tu học, chư tôn đức trong Ban Giáo dục Phật giáo TP.HCM và Ban Giám Hiệu nhà trường sẽ luôn ở phía sau hỗ trợ và ủng hộ.
Trên tinh thần đó, Ban Bảo trợ Ban Giáo dục Phật giáo TP.HCM đã có những phần quà là tịnh tài cúng dường đến Ban Giám hiệu và toàn thể Tăng Ni sinh.
Cũng trong chuyến thăm này, chư tôn đức trong Ban Giáo dục Phật giáo TP.HCM cũng đã khảo sát, kiểm tra về cơ sở vật chất cũng như tình hình học tập của các Tăng Ni sinh.
Một số hình ảnh ghi nhận được: